“Triết học hiện đại cần được tìm hiểu từ quá khứ. Không như thế, ta chỉ có hiện tại, mà không có triết học”.
J. Hirschberger
Johannes Hirschberger (07.5.1900-27.11.1990) xuất thân là một nhà thần học Công giáo, đồng thời là nhà ngữ văn học, sử học và triết gia Đức. Ông được thụ phong linh mục năm 1925. Từ 1927, ông học thêm triết học, thần học và ngữ văn Hy Lạp tại đại học München (Đức) và soạn luận án về triết học Plato. Sau nhiều năm giảng dạy ở nhiều học viện triết học-thần học, ông trở thành giáo sư thực thụ vào năm 1946.
Khi bắt tay soạn bộ Lịch sử triết học này, ông cho biết mình đi theo cách tiếp cận siêu hình học về lịch sử tư tưởng từ người thầy theo phái tân-Kinh Viện là Joseph Geyser: những lý thuyết và khái niệm siêu hình học phải được nghiên cứu và giải thích từ nguồn văn bản gốc, nhất là của thời cổ đại. Theo đó, việc “truyền thừa” trở thành một trong những tiêu chuẩn cho giá trị chân lý của các lý thuyết và khái niệm. Ý niệm dẫn đạo của cách làm này vốn đã bắt nguồn từ truyền thống Kinh Viện học trung đại, có liên quan đến việc hấp thu triết học Aristotle vào trong học thuyết của Thomas Aquino (thuyết Thomas-mới), đồng thời cũng tương ứng với chủ trương về “philosophia perennis” của thần học Kitô-giáo đương thời.
Lịch sử triết học cũng chứng kiến nhiều khúc quanh không lường trước được, chẳng hạn ở cuối thời Hy Lạp hóa: “Những người theo thuyết Plato-mới lầm tưởng rằng họ đã chiến đấu với Kitô-giáo non trẻ, nhưng chính trong Kitô-giáo, trong Giáo hội, tinh thần Plato đã có thể tiếp tục sống còn”.
Hirschberger đề nghị một cái nhìn cân đối, không cực đoan và “tương kính” giữa triết học trung đại và hiện đại: “ Những người tán dương triết học hiện đại chẳng nhìn thấy gì trong chủ nghĩa Kinh Viện ngoài những đêm trường, còn môn đồ của chủ nghĩa Kinh Viện thì chẳng thấy gì trong triết học hiện đại ngoài sự thất bại và sai lầm. Chính việc nghiên cứu triết học Cusanus (Nicholaus von Kües) khiến cho cả hai phía nhận ra làm thế nào mà phía đối lập có thể thiết lập cả một hệ thống vĩ đại nhường ấy, đồng thời giúp họ thấu hiểu chính mình cũng như những người khác”.
Thừa nhận rằng “không ai sẵn sàng học hỏi hơn chính tinh thần của triết học hiện đại”, nhưng, từ viễn tượng của “triết học vĩnh cửu”, việc “thoát khỏi mọi giả định” là không bao giờ có thể thực hiện được. Nhưng nó lúc nào cũng là một lý tưởng cần được theo đuổi vì lợi ích của chân lý, “còn việc ai mới thật sự tiến gần đến mục tiêu này hơn, là họ hay ta, thì chỉ những thế hệ tương lai mới có thể phán xét”.