“Tặng những người yêu nhau
Dư hương tự ngàn xưa
Gửi lại cho ngàn sau” (Phan Quang Định)
SÁCH TÌNH YÊU – Thư tình của các văn nhân
Những bức thư tình là một sự khuếch trương hợp logic của tài năng viết lách. Để nêu lên vấn đề một cách đơn giản nhất, ta có thể nói rằng văn chương không hiện hữu nếu như không có những con người cảm thấy bị thôi thúc phải truyền thông vũ trụ quan của chính họ qua ngôn từ. Thư tín mọi thể loại (đặc biệt là trước khi phát minh ra điện thoại) là một trong những mối bận tâm chính của văn chương. Và thư tình chiếm một vị trí đặc biệt ngay cả trong kho thư tín phồn mậu nhất vì cường độ, tiêu điểm, tính thu hút cũng như sự phóng túng mặc nhiên. Trong một bức thư tình, nhà văn có thể buông thả vào một thứ văn xuôi lơ lửng trên mây mà trong thư tín thông thường có thể bị cắt xén hoặc bị biên tập trong sản phẩm văn chương hoàn chỉnh hơn.
Các nhà văn không chỉ viết thư nhiều hơn những người khác mà những gì họ viết còn có cơ may sống sót nhiều hơn. Độc giả ngưỡng mộ, con cháu tự hào, nhà xuất bản và kể cả những kẻ thù, cùng người tình bị phụ bạc… ai ai cũng muốn giữ lại thư của nhà văn. Mặc dù những bức thư quá ư nồng cháy đôi khi bị ém đi vì ý thức đoan trang, thế nhưng đôi khi cả những bức thư có phần “kinh dị” cũng len lỏi được vào con đường in ấn để ra mắt bàn dân thiên hạ và lắm lúc gây nên scandal.
Những bức thư tình – chúng nó lúc thì dịu dàng dí dỏm, lúc lại cuồng nhiệt say đắm nhuốm màu nuối tiếc bâng khuâng, chúng là thiên biên niên sử của cả một tiến trình đam mê hay thậm chí là lầm lạc.
Đôi khi những bức thư tình lại được xếp vào hàng ngũ thành tựu hoàn hảo nhất của một nhà văn. Lắm khi ta thắc mắc, giữa bức thư và tình yêu, thật sự cái nào quan trọng hơn? Một số nhà văn danh tiếng – kể cả Kafka, Rilke và Kleist – đã có những cuộc tình chỉ hiện hữu qua thư tín. Đọc những bức thư của họ khiến chúng ta tự hỏi: Khi nào thì nhà văn này mới chịu ngừng viết để bắt đầu yêu? Trong những trường hợp này, thư tình không phải là một biểu lộ của tính thân mật mà là một cách để tránh né sự thân mật, một cách dùng ngôn từ hoa mỹ trên giấy để thay thế cho sự giao kết thân mật trên thực tế.
Các nhà văn có thể yêu đương chẳng tệ cũng chẳng tốt hơn bất kỳ ai khác. Điều họ làm, một cách khác biệt, là viết về chuyện đó. Và mỗi người đọc thư tình của người khác, như chúng ta đây, đều là những kẻ nhìn trộm qua lỗ khóa. Lật giở từng trang của cuốn sách này, ta như ngụp lặn trong dòng suối êm ả muôn đời, rồi rơi vào vòng xoáy cảm xúc, và xoay tròn trong lưới tình của các văn nhân, tự cổ chí kim.