NGÓN TAY CHỈ MẶT TRĂNG :
THÔNG ĐIỆP KINH LĂNG GIÀ
Ngã tòng mỗ dạ đắc tối chính giác, nãi chí mỗ dạ nhập bát Niết-bàn, ư kỳ trung gian nãi chí bất thuyết nhất tự, diệc bất dĩ thuyết, đương thuyết. Bất thuyết thị Phật thuyết.
我 從 某 夜 得 最 正 覺 。 乃 至 某 夜 入 般 涅 槃 。 於 其 中 間 乃 至 不 說 一 字 。 亦 不 已 說 當 說 。 不 說 是 佛 說 。
Ta từ đêm chứng được Chánh giác Tối thượng, cho đến đêm nhập Niết-bàn, ở khoảng giữa thời gian đó, thậm chí Ta không hề thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết hay đang thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết”. (Kinh Lăng Già)
Đoạn kinh văn trên có thể được xem là thông điệp xuyên suốt kinh Lăng Già, và là hành trang cần thiết để chúng ta đi vào cõi “thánh trí tự chứng” của kinh Lăng Già, hay nói rộng ra là kho tàng pháp bảo của kinh điển Đại thừa.
Kinh Lăng Già nổi tiếng là cực kỳ khó đọc, không chỉ bởi tư tưởng phức tạp mà còn bởi ngôn ngữ cô đọng. Những lời kinh văn thâm áo và quá đỗi hàm súc của kinh Lăng Già tự xưa đến nay vẫn luôn là một ngọn cao phong chót vót làm nản lòng những ai muốn vượt qua nó để đi vào cõi “Nhất thiết Phật ngữ tâm”.
Nhưng chính điều đó cũng giúp ta khi mở trang kinh thì phải đọc kinh bằng cái tâm cực kỳ cẩn trọng.
Tác phẩm Studies in Laṅkāvatāra Sutra của đại sư Suzuki ra đời, dù đã rất lâu, quả đã đáp ứng được sự mong đợi của những người khao khát cái học Tâm tông, giúp chúng ta trút bỏ được phần nào những nỗi nhọc nhằn khi phải dò dẫm tìm hiểu từng câu, từng chữ trong mỗi trang kinh.
Đại sư Suzuki cũng là bậc long tượng hiếm hoi của Phật pháp ngày nay. Bạn đọc ở Việt Nam đã quá quen thuộc với ông qua hai tác phẩm nổi tiếng là Thiền Luận và Cốt Tủy Của Đạo Phật, qua bản dịch tài tình của H.T. Tuệ Sỹ và dịch giả Trúc Thiên. Ông đã dày công đem cái trí tuệ uyên bác và văn tài xuất chúng để khảo cứu kinh Lăng Già, mở ra cho chúng ta một thông lộ đi vào kho tàng tư tưởng thâm áo của kinh điển Đại thừa. Tác phẩm Studies in Laṅkāvatāra Sutra của đại sư Suzuki sừng sững như ngọn hải đăng soi chiếu, giúp ta xác định được phương hướng giữa biển ngôn ngữ mênh mông vô biên tế của kinh Lăng Già.
Ngôn ngữ kinh Lăng Già trong nguyên tác Phạn ngữ vốn rất uyển chuyển linh động, “duy biến sở thích” như Kinh Dịch, khiến người đọc có thể hiểu theo nhiều cách.
Kinh Lăng Già kêu gọi đến cảnh giới thánh trí tự chứng, tức kinh nghiệm thâm huyền vi diệu của nội tâm, siêu quá mọi cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác và ngoại đạo. Do đó, nó bất khả tư nghì và siêu việt ngôn ngữ.
Bản dịch được thực hiện theo nguyên tác tiếng Anh Studies in Laṅkāvatāra Sutra, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., New Delhi, 1998, của đại sư Suzuki.
Sau khi hoàn tất bản dịch tác phẩm The Central Philosophy of Buddhism của T.V. Murti (Tánh Không : Cốt Tủy Của Triết Học Phật Giáo), người dịch vì khao khát cái học Tâm tông nên đã cố gắng dịch tiếp tác phẩm này để đóng thêm một phần nhỏ vào việc nghiên cứu Phật học hiện nay. Bản dịch chắc hẳn còn nhiều điểm bất toàn, xin chân thành ghi nhận mọi sự đóng góp ý kiến của các bậc thức giả.